Chào mừng bạn đến với Sàn thương mại điện tử dược mỹ phẩm NewwayMart!

Tang ký sinh là gì? Tác dụng và bài thuốc từ Tang ký sinh

13/01/2023 Nguồn: Góc sức khỏe Người đăng: Phương Thảo

0/5 trong 0 Đánh giá

|
346 Lượt xem

Tang ký sinh là một loài cây thuộc họ nhà tầm gửi. Loại này ký sinh trên cây dâu (tang), hay được dùng làm thuốc gọi là Tang lý sinh. Theo Đông y, Tang ký sinh có công dụng trong việc điều trị phong thấp, bổ Can Thận, tê mỏi đau nhức, mạnh gân xương, an thai, xuống sữa. Bài viết trong góc sức khoẻ dưới đây sẽ chia sẻ chi tiết về Tang ký sinh là gì? Tang ký sinh có tác dụng gì trong Y học.

1.Mô tả

1.1. Tên gọi, danh pháp

Tên gọi: Tang ký sinh.

Tên khác: Ký sinh cây dâu, Chùm gửi, Tầm gửi cây dâu, Phoc mạy mọn (Tiếng Tày).

Tên khoa học: Taxillus gracilifolius (Schult.f .) thuộc họ Tầm gửi (có tên khoa học là Loranthaceae).

1.2. Đặc điểm

Cây tang ký sinh là loại cây nhỏ, thường xanh, ký sinh trên thân cây dâu tằm nhờ các rễ mút. Cành hình trụ, khúc khuỷu, màu nâu đen hay xám. Lá mọc so le, có hình bầu dục,  rộng 2,5 – 5cm, dài 3 – 8cm, gốc thuôn hoặc hơi tròn, đầu tù đôi khi lõm, phần mép hơi lượn sóng, gân phụ cong, cuống lá ngắn.

Cụm hoa mọc ở kẽ lá thành từng chùm rất ngắn gần như hình tán, lá bắc nhỏ hình tam giác, hoa màu hồng tím hoặc đỏ, đài hình chùy có răng rất nhỏ, tràng hình trụ hơi phình ở giữa và có lông, nhị 4 và chỉ nhị dài hơn bao phấn, bầu hạ. 

Mùa hoa quả: tháng 01 đến tháng 03. Quả hình bầu dục và có vết tích của đài tồn tại.

2. Phân bố, sinh thái

Tang ký sinh phân bố phụ thuộc vào nơi trồng cây dâu tằm

Tang ký sinh có vùng phân bố tự nhiên hoàn toàn phụ thuộc vào nơi trồng cây dâu tằm. Song, hiện nay chưa có nghiên cứu cụ thể để chứng minh loài này còn ký sinh trên các loài cây chủ nào khác. Trên thế giới tang ký sinh cũng được đề cập đến ở Trung Quốc, Ấn Độ, Mianma, Campuchia, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippin…. Cây ưa ánh sáng và ưa ẩm, ra hoa quả nhiều hàng năm. Tuy nhiên, ở một số vùng trồng dâu tằm rộng lớn cũng hiếm khi gặp tang ký sinh.

Hạt giống của cây phát tán được có lẽ do chim hoặc do một số loài động vật nào đó, trong quá trình ăn quả chín và tiêu hóa đã đưa hạt tang ký sinh sang các cây dâu tằm khác. Bước đầu, hạt giống cần mắc vào những kẽ nứt của vỏ hoặc hốc cây và gặp điều kiện thuận lợi để nảy mầm nhanh, các rễ cây từng bước len lỏi vào lớp vỏ cây chủ để hút chất dinh dưỡng nuôi cây.

Trong trường hợp cành lá của tang ký sinh bị thu hái, phần gốc và rễ ký sinh vẫn bám ở cây chủ sẽ tiếp tục sinh trưởng phát triển.

3. Thành phần hóa học

Thân, lá tang ký sinh có avicularin, quercetin. Lá còn chứa hyperosid, d–catechin và quercitrin. (Trung dược từ hải II, 1996).

Theo Chen Xihong và cs, năm 1992, tang ký sinh chứa lectin với hàm lượng đường 14%. Hàm lượng acid amin gốc acid cao, còn acid amin base ít. Không thấy arginn (CA 117: 22098 z).

Tang ký sinh có chất độc đối với tế bào, nhất là tủy xương (CA 120: 235.542 p).

Tang ký sinh (Hình ảnh minh họa)

4. Bộ phận dùng

Toàn bộ cây thu hái quanh năm, phơi hay sấy khô.

5. Tác dụng dược lý

Theo y học cổ truyền 

Theo Đông y, Tang ký sinh có tính bình, vị đắng, vào hai kinh can và thận, mạnh gân xương, trừ phong thấp, an thai, lợi sữa. Có công dụng bổ can thận, mạnh gân xương, trừ phong thấp, an thai, lợi sữa.

Dùng khi gân cốt nhức mỏi, lưng gối đau, tê bại, động thai đau bụng, phụ nữ sau khi sinh không có sữa.

Dược liệu Tang ký sinh

Theo y học hiện đại

Tang ký sinh có hoạt tính chống oxy hóa và độc tế bào

Nhóm nghiên cứu đã thực hiện thí nghiệm với 02 dạng chiết xuất từ lá cây tầm gửi dâu là chiết xuất dạng cồn ethanol đối với hoạt động chống oxy hóa và chiết xuất dạng nước tinh khiết. Kết quả nhận thấy chiết xuất dạng nước tinh khiết có giá trị hóa học cao hơn đáng kể và các hoạt động chống oxy hóa cũng lớn hơn so với chiết xuất ethanol.

Có tác dụng phục hồi hiệu quả chức năng thận do cisplatin

Nghiên cứu sàng lọc các loại thảo dược phục hồi chức năng thận của Hàn Quốc đã xác định được 7 loại cây có tác dụng phục hồi chức năng thận do cisplatin mạnh mẽ nhất, một trong số đó có thảo dược tang ký sinh Loranthus parasiticus. Nhóm đã nhận định rằng Tang ký sinh có thể được sử dụng để điều trị hoặc phòng ngừa rối loạn thận.

6. Tính vị, công năng

Tang ký sinh có tính bình, vị đắng được đưa vào hai kinh can và thận, có tác dụng bổ gan thận, mạnh gân xương, trừ phong thấp, an thai, lợi sữa.

7. Bài thuốc Tang ký sinh

  1. Chữa tăng huyết áp:

Bài thuốc chữa tăng huyết áp

  • Tang ký sinh 16g; chi tử, câu đằng, ý dĩ, ngưu tất, mã đề, mỗi vị 12g; trạch tả, xuyên khung, mỗi vị 8g. Sắc thuốc uống ngày một thang.
  • Chữa tăng huyết áp ở người trẻ, rối loạn tiền mãn kinh: Tang ký sinh 20g; hoa hoè, lá tre, cỏ gianh, mỗi vị 20g; rau má 30g; hạt muồng, ngưu tất 12g; cỏ nhọ nồi, mỗi vị 16g; hạ khô thảo long; tâm sen 8g. Sắc uống ngày một thang.
  1. Chữa tăng huyết áp ở người tuổi cao:
  • Tang ký sinh 12g; hà thủ ô 16g; mẫu lệ 20g; kỷ tử, sinh địa, ngưu tất, quả dâu chín, mỗi vị 12g; trạch tả 8g. Sắc ngày một thang thuốc lấy nước uống.
  • Tang ký sinh, bạch truật, táo nhân, đảng sâm, long nhãn, ngưu tất, mỗi vị 12g; đương quy, hoàng cầm, viễn chí, hoa hoè, mỗi vị 8g; mộc hương 4g. Sắc ngày một thang thuốc  lấy nước uống.
  1. Chữa tăng huyết áp kèm tăng cholesterol máu:
  • Tang ký sinh, câu đằng, thiên ma, hoa hoè, ngưu tất, ý dĩ, mỗi vị 16g; phục linh 8g; bạch truật 12g; bán hạ chế, cam thảo, trần bì, mỗi vị 6g. Sắc ngày một thang thuốc lấy nước uống.
  • Tang ký sinh, hoàng cầm, hoa hoè, mỗi vị 16g; long đởm thảo, trúc nhự, mỗi vị 12g; chỉ thực, bán hạ chế, phục linh, mỗi vị 8g; cam thảo, trần bì, mỗi vị 6g. Sắc ngày một thang thuốc lấy nước uống.
  1. Chữa xơ cứng động mạch vành, thời kỳ ổn định sau nhồi máu cơ tim: 

Tang ký sinh 16g; kỷ tử, hoàng tinh, mỗi vị 16g; hà thủ ô 20g; quy bản, thục địa, thạch hộc, mỗi vị 12g. Sắc ngày một thang thuốc lấy nước uống.

  1. Chữa viêm cầu thận mạn tính: 

Tang ký sinh,  mã đề, câu đằng, mỗi vị 16g; cúc hoa, sa sâm, ngưu tất, quy bản, đan sâm, trạch tả, mỗi vị 12g. Sắc ngày một thang thuốc lấy nước uống.

  1. Chữa liệt nửa người không hôn mê do tai biến mạch máu não: 

Tang ký sinh 16g; câu đằng, kê huyết đằng, mỗi vị 16g; thạch quyết minh 20g; ngưu tất, địa long, cúc hoa, hà thủ ô, mỗi vị 12g. Sắc ngày một thang thuốc lấy nước uống.

  1. Chữa liệt dây thần kinh VII ngoại biên: 

Tang ký sinh, kê huyết đằng, ké đầu ngựa, ngưu tất, mỗi vị 12g; bạch chỉ, quế chi, uất kim, trần bì, hương phụ, mỗi vị 8g. Sắc ngày một thang thuốc lấy nước uống.

  1. Chữa đau dây thần kinh ở hông do thoái hóa cột sống gây chèn ép: 

Tang ký sinh 16g; thục địa, tục đoạn, cẩu tích, ngưu tất, đẳng sâm, ý dĩ, bạch truật, hoài sơn, hà thủ ô, tỳ giải, mỗi vị 12g. Sắc ngày một thang thuốc lấy nước uống.

  1. Thuốc phòng bệnh viêm khớp dạng thấp tái phát: 

Tang ký sinh 16g; độc hoạt, phòng phong, ngưu tất, đảng sâm, phục linh, đỗ trọng, sinh địa, bạch thược, mỗi vị 12g; tế tân, tần giao, quế chi, đương quy, phụ tử chế, mỗi vị 8g; cam thảo 6g. Sắc ngày một thang thuốc lấy nước uống.

  1. Chữa thấp khớp mạn, đau nhức: 

Bài thuốc chữa thấp khớp mạn, đau nhức

Tang ký sinh 12g; hoài sơn 16g; đảng sâm 20g; u chặc chìu, kê huyết đằng, đan sâm, thổ phục linh, thục địa, xích thược, thiên niên kiện, độc hoạt, đỗ trọng, khương hoạt, mỗi vị 12g;  nhục quế 8g; ngưu tất 10g. Sắc ngày một thang thuốc lấy nước uống.

  1. Chữa đau lưng: 

Tang ký sinh, cẩu tích và ngưu tất, mỗi vị 12g. Sắc ngày một thang thuốc lấy nước uống.

  1. Chữa đau lưng cấp do co cứng các cơ: 

Tang ký sinh, ngưu tất, khương hoạt, mỗi vị 12g; phục linh 10g; thương truật, quế chi, mỗi vị 8g; can khương 6g. Sắc ngày một thang thuốc lấy nước uống.

  1. Chữa chân tay tê bại, tắc sữa:

Tang ký sinh 30g và ngưu tất 12g. Sắc ngày một thang thuốc lấy nước uống.

  1. Chữa ho: 

Tang ký sinh 30g, lá trắc bá 10g, rễ chanh 20g. Sao vàng rồi sắc ngày một thang thuốc lấy nước uống.

  1. Chữa suy nhược thần kinh: 

Tang ký sinh, hoài sơn, hà thủ ô, thục địa, kim anh, liên nhục, mỗi vị 12g; quy bản, kỷ tử, ngưu tất, thỏ ty thử, đương quy, táo nhân, mỗi vị 8g. Sắc ngày một thang thuốc lấy nước uống.

  1. Chữa viêm tắc động mạch ở thời kỳ đầu - giữa: 

Tang ký sinh, thục địa, mỗi vị 16g; xuyên quy,  xuyên khung, phụ tử chế, bạch thược, xuyên luyện tử, hoàng kỳ, đan sâm, ngưu tất, mỗi vị 12g; quế chi, hồng hoa, đào nhân, bạch giới tử, mỗi vị 8g. Sắc ngày một thang thuốc lấy nước uống.

  1. Chữa động thai đau bụng: 

Tang ký sinh 60g, lá ngải cứu 20g, a giao hoặc cao ban long nướng thơm 20g. Sắc và chia 03 lần uống trong ngày.

  1. Thuốc phòng sảy thai hoặc đẻ non khi bị động thai: 

Tang ký sinh, tục đoạn, thỏ ty tử, a giao mỗi vị 20g. Tán nhỏ làm thành viên, ngày uống 16 – 20g.

8. Lưu ý khi sử dụng Tang ký sinh

Tang ký sinh đã bào chế cần được bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát

Một số cần lưu ý khi sử dụng:

  • Khi đã bào chế, cần đựng kín tránh mất hương vị. Tránh phơi nắng nhiều, để nơi khô ráo, thoáng mát.
  • Nên dùng tầm gửi dâu ở dạng thuốc sắc uống để có hiệu quả tốt.

Tóm lại, vị thuốc Tang ký sinh có công dụng bổ can thận, mạnh gân xương, trừ phong thấp, an thai, lợi sữa. Dùng khi gân cốt nhức mỏi, lưng gối đau, tê bại, động thai đau bụng, phụ nữ sau sinh không có sữa. Khi muốn sử dụng Tang ký sinh để trị bệnh, bạn hãy tham khảo ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa, những thông tin trong bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo.

Theo dõi chúng tôi

Theo dõi chúng tôi trên

Facebook Chat
Chat Zalo