30/01/2023 Nguồn: Sự kiện sức khỏe Người đăng: Thu Hà
Chuỗi nhà thuốc của các doanh nghiệp lớn với độ bao phủ lên tới hàng ngàn điểm bán đang giành lợi thế lớn để hút khách hàng và đạt tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ.
Thị trường bán lẻ dược phẩm ngày càng phân chia “miếng bánh” rõ nét hơn, khi các doanh nghiệp lớn tăng tốc mở chuỗi, tăng độ bao phủ để có doanh thu lớn, tạo ra mô hình nhà thuốc hiện đại, có sức hút trên thị trường.
Cuộc đua mở chuỗi bán lẻ dược phẩm đang nghiêng về các doanh nghiệp dẫn dắt thị trường như FPT Retail, An Khang, Pharmacity…
Năm 2022 là năm thành công vượt mong đợi của FPT Retail về tăng độ phủ của chuỗi bán lẻ dược phẩm. Doanh nghiệp này vừa đạt 1.000 cửa hàng bán lẻ dược phẩm thuộc chuỗi nhà thuốc Long Châu vào đầu tháng 12/2022, một con số đáng nể, tạo nền tảng để chiếm lĩnh thị phần tại thị trường dược phẩm vẫn đang tăng trưởng ấn tượng.
Bà Nguyễn Bạch Điệp, Chủ tịch HĐQT FPT Retail, kiêm Tổng giám đốc FPT Long Châu chia sẻ, mốc 1.000 nhà thuốc ở 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc trong thời gian khá ngắn đánh dấu một hành trình “bùng nổ” khi vượt 125% kế hoạch mở rộng quy mô hệ thống của cả năm 2022. Doanh thu chuỗi nhà thuốc Long Châu đạt 6.562 tỷ đồng, tăng gấp 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Trước đó, FPT Long Châu dự kiến cán mốc 800 nhà thuốc trong năm 2023. Như vậy, thay vì mục tiêu mở mới 400 cửa hàng trong năm, FPT Retail đã mở mới thành 600 cửa hàng.
Theo Tổ chức nghiên cứu thị trường IQVIA, số lượng nhà thuốc hiện đại tiếp tục tăng trong những năm tới và các chuỗi nhà thuốc cũng đang đa dạng hóa danh mục sản phẩm, bao gồm các mặt hàng tiêu dùng nhanh như sản phẩm chăm sóc cá nhân, dược mỹ phẩm… Điều này giúp doanh nghiệp tăng doanh thu và lợi nhuận.
“Chúng tôi sẽ mở thêm 600 nhà thuốc trong năm 2023, để đưa hệ thống cán mốc 1.600 điểm bán”, đại diện FPT Retail tiết lộ.
Trong 5 năm tới, FPT Retail đặt kế hoạch nâng tổng số cửa hàng Long Châu lên 3.000 cửa hàng. Mảng bán lẻ dược phẩm của FPT Retail được dồn sức đầu tư lớn nhằm bù đắp cho mảng kinh doanh điện thoại đang dần chậm lại do thị trường đã bão hòa.
Dược phẩm chính là mảng được đặt nhiều kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận của FPT Retail trong dài hạn. Gần đây nhất, FPT Retail đã thông báo về việc góp thêm 225 tỷ đồng vào Công ty cổ phần Dược phẩm FPT Long Châu, nâng số vốn mà công ty này góp vào chuỗi Long Châu lên 450 tỷ đồng, tương ứng mức sở hữu 89,83%.
Đặt mục tiêu có 800 nhà thuốc vào cuối năm 2022, dù không đạt tới vạch đích, nhưng chuỗi nhà thuốc An Khang được quản lý vận hành bởi Công ty Đầu tư Thế giới di động (MWG) hiện có hơn 529 cửa hàng. Dù bước vào lĩnh vực này từ năm 2017 và mở rộng chậm hơn so với các đối thủ, An Khang vẫn thể hiện tiềm lực mạnh mẽ. Chuỗi nhà thuốc này đã vươn lên thành một trong 3 nhà bán lẻ dược phẩm lớn nhất hiện nay, cùng với Long Châu và Pharmacity…
Trong khi đó, Pharmacity thuộc Công ty cổ phần Dược phẩm Pharmacity cũng đã mở được hơn 1.000 cửa hàng và kinh doanh bán lẻ tăng trưởng 2 con số.
Như vậy, tính sơ bộ đến thời điểm này, Pharmacity là chuỗi bán lẻ dược phẩm lớn nhất với số lượng gần 1.100 cửa hàng, trong khi số nhà thuốc của Long Châu là 1.000 và An Khang là 529 nhà thuốc.
Kế hoạch của ba hệ thống nhà thuốc hàng đầu Việt Nam này là sẽ nâng tổng số cửa hàng thuốc trong chuỗi lên con số khoảng 10.000 vào năm 2025.
Còn nhiều dư địa tăng trưởng
Cuộc đua tăng độ phủ thị trường bán lẻ dược phẩm của các doanh nghiệp lớn đã phân chia lại thị trường bán lẻ. Kinh doanh của một bộ phận nhà thuốc nhỏ lẻ đã bị thu hẹp lại đáng kể, một số khác đứng trước nguy cơ tồn tại hay đóng cửa.
Sở hữu 2 nhà thuốc tại phố Bạch Mai và Xã Đàn (Hà Nội), ông Hoàng Văn Tùng cho biết, doanh thu 2 nhà thuốc của ông đã giảm khoảng 20% kể từ khi thị trường có sự xuất hiện các chuỗi bán lẻ dược phẩm hiện đại.
“Vốn ít, đầu thuốc hạn chế và giá bán khó cạnh tranh hơn, ít quà tặng hơn… khiến doanh thu những nhà thuốc nhỏ lẻ sụt giảm”, ông Tùng thừa nhận.
Nhà thuốc nhỏ lẻ truyền thống khó cạnh tranh với chuỗi bán lẻ dược phẩm là một thực tế. Chẳng hạn, với 1.000 nhà thuốc phủ khắp 63 tỉnh, thành phố, Long Châu có lợi thế vượt trội khi chuyên thuốc theo đơn bệnh viện, đặc biệt là thuốc khó, thuốc hiếm. Đồng thời, đa dạng hóa danh mục sản phẩm bao gồm các mặt hàng tiêu dùng nhanh như sản phẩm chăm sóc cá nhân, dược mỹ phẩm…
Ngoài ra, nhà thuốc theo mô hình hiện đại giành được thị phần từ các hiệu thuốc truyền thống còn bởi Chính phủ đưa ra các quy định khắt khe hơn đối với các nhà bán lẻ dược phẩm, thuốc kê đơn và triển khai hình thức đơn thuốc điện tử.
Tất nhiên, so với tổng số 60.000 nhà thuốc trên toàn quốc, con số trên 3.000 cửa hàng bán lẻ dược phẩm hiện đại của các doanh nghiệp lớn mới xuất hiện những năm qua không thể lấn át được hoàn toàn mô hình kinh doanh kiểu truyền thống, nhưng ở một số điểm tại đô thị lớn, sự xuất hiện này đã gia tăng nguy cơ làm sụt giảm doanh số của một bộ phận không nhỏ cửa hàng thuốc nhỏ lẻ.
Cơ hội kinh doanh nhờ gia tăng độ phủ của các mô hình nhà thuốc hiện đại này còn lớn. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, số người từ 65 tuổi trở lên ở Việt Nam sẽ tăng hơn gấp đôi vào năm 2040, chiếm 18% tổng dân số, thúc đẩy chi tiêu chăm sóc sức khỏe, tạo dư địa tăng trưởng lớn cho các doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ dược phẩm.
Thị trường dược phẩm ngày càng nóng lên khi có nhiều ông lớn tham gia vào cuộc đua chuỗi nhà thuốc. Những đơn vị này hứa hẹn sẽ làm thay đổi thị trường bán lẻ dược phẩm và người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi.
Nguồn: https://baodautu.vn/