30/01/2023 Nguồn: admin Người đăng:
Tiến sĩ hóa học Huỳnh Kỳ Trân, Lương y quốc gia, Viện trưởng Viện Phát triển công nghệ và Đào tạo TP.HCM, Phó Chủ tịch Hội Hóa học TP.HCM, Giám đốc Quỹ Khởi nghiệp Bến Tre, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc Công ty TNHH sản xuất mỹ phẩm Lan Hảo THORAKAO.
Từ luận án tiến sĩ năm 2013, người đàn ông say mê nghiên cứu khoa học tiếp tục khám phá và phát minh ra thêm một số sản phẩm thuộc ngành dược và hóa mỹ phẩm như nước súc miệng, dầu gió, nước vệ sinh phụ nữ… Là người dành hơn 10 năm nghiên cứu để sáng chế ra quy trình chiết tách và phương pháp sản xuất tinh dầu lá trầu (piper betle L.) có tác dụng trung hòa, ức chế virus gây bệnh tay chân miệng.
Đây là đề tài thuộc chương trình chung nghiên cứu chiết xuất tinh dầu trầu không bằng phương pháp chưng cất hơi nước trên quy mô pilot đạt chất lượng làm bất hoạt được virus EV 71 nhằm đạt hai mục tiêu: Một là, bảo đảm tinh dầu có chất lượng bất hoạt được EV 71 và có khả năng triển khai sản xuất ở quy mô công nghiệp; hai là, cung cấp nguyên liệu để tạo ra chế phẩm thuốc uống dạng siro hỗ trợ điều trị bệnh tay chân miệng, phục vụ cho thử nghiệm tiền lâm sàng và lâm sàng. Với đề tài này, năm 2012, TS. Huỳnh Kỳ Trân được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp “Bằng độc quyền giải pháp hữu ích” số 1441 về Quy trình chiết tách tinh dầu từ lá trầu không có tác dụng ức chế virus đường ruột gây bệnh tay chân miệng.
Năm 2014, ông tiếp tục được cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích số 1834 với Quy trình chiết xuất chiết phẩm từ lá trầu không để trung hòa virus gây bệnh đau mắt đỏ. Ông trở thành người Việt Nam đầu tiên nghiên cứu, sáng chế quy trình chiết tách và phương pháp sản xuất tinh dầu lá trầu không (piper betle L.) có tác dụng trung hòa, ức chế virus gây bệnh tay chân miệng và đau mắt đỏ.
Hai năm sau, TS. Trân được cấp giấy chứng nhận đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước với đề tài nghiên cứu xây dựng quy trình sản xuất tinh dầu lá trầu không bằng phương pháp chưng cất lôi cuốn hơi nước ở quy mô pilot đạt chất lượng làm bất hoạt được virus tay chân miệng EV71.
Đặc biệt, với hai sản phẩm nước súc miệng và thuốc xịt mũi, hỗ trợ điều trị các triệu chứng của Covid-19 bằng cơ chế cộng hưởng enzyme tích hợp từ các chất trong lá trầu không, ngăn cản sự phát triển virus SARS-CoV2, vào thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát dữ dội tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam.
TS. Lương y Huỳnh Kỳ Trân được cấp Bằng sáng chế số US 11,185,493 B1 do Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USP) cấp cho chế phẩm chiết xuất từ lá trầu không có khả năng diệt khuẩn, kháng virus và phương pháp sản xuất chế phẩm này.
Hai sản phẩm nước súc miệng và thuốc xịt mũi kháng virus được lương y Huỳnh Kỳ Trân cung cấp miễn phí cho hàng ngàn bệnh nhân, người dân từ khắp các địa phương, bệnh viện, bệnh viện dã chiến Covid-19 và các đơn vị hỗ trợ y tế… Qua đó góp phần rất lớn vào việc phòng ngừa lây nhiễm cộng đồng, cũng như giúp giải bài toán chưa có hoặc khan hiếm thuốc đặc trị Covid-19 giai đoạn đầu…
Bằng cơ chế cộng hưởng enzyme tích hợp từ các chất trong lá trầu không, ngăn cản sự phát triển của virus, các nghiên cứu, sáng chế quy trình chiết tách và phương pháp sản xuất tinh dầu lá trầu không của TS. Lương y Huỳnh Kỳ Trân đã và đang được ứng dụng, chuyển giao để tạo ra các chế phẩm thuốc uống dạng siro hỗ trợ điều trị bệnh, triển khai sản xuất ở quy mô công nghiệp, phục vụ cho các công tác thử nghiệm tiền lâm sàng và lâm sàng. Ngày 18/6/2022, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) đã trao xác lập Kỷ lục Việt Nam cho TS. Lương y Huỳnh Kỳ Trân với sáng chế về quy trình chiết tách và phương pháp sản xuất tinh dầu lá trầu không để hỗ trợ điều trị bệnh.
Ông Huỳnh Kỳ Trân, sinh năm 1957 tại xã Quới Thành, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Tốt nghiệp Đại học Bách khoa TP.HCM năm 1982, Huỳnh Kỳ Trân được phân công đảm nhiệm vai trò giảng viên thực hành khoa hóa tại Trường đại học Bách khoa TP.HCM.
Đến năm 1996, giảng viên trẻ Huỳnh Kỳ Trân tốt nghiệp cao học với bằng thạc sĩ tại Trường đại học Mở bán công TP.HCM. Năm 2001, ThS. Huỳnh Kỳ Trân được cấp bằng Lương y Đa khoa (Lương y Quốc gia) của Bộ Y tế với chuyên môn y dược học cổ truyền (tương đương đông dược sĩ và bác sĩ đông y).
Năm 2013, lương y Huỳnh Kỳ Trân được cấp bằng tiến sĩ đào tạo tại Viện Hàn lâm quốc tế về các nghiên cứu hệ thống Liên bang Nga (IASS). Từ đó đến nay, TS. Huỳnh Kỳ Trân làm Phó viện trưởng rồi Viện trưởng Viện Phát triển công nghệ và Đào tạo TP.HCM, giảng viên thỉnh giảng nhiều trường đại học tại TP.HCM. Đồng thời ông đảm nhận nhiều vị trí, chức vụ khác trong các hội đoàn, câu lạc bộ doanh nhân, quỹ khởi nghiệp, hỗ trợ và công tác thiện nguyện xã hội…
Quan niệm “sống là cho, đâu chỉ nhận cho riêng mình”, người đàn ông có gương mặt chữ “điền” Huỳnh Kỳ Trân không muốn sở hữu điều gì cho riêng mình, gia đình mình mà luôn hướng về cộng đồng, chia sẻ với cộng đồng những lợi ích mà mình đạt được.
Trong kinh doanh, ông thích hướng về những người trẻ, những sinh viên vượt khó có ý thức lập nghiệp, khởi nghiệp. Với tư cách là Giám đốc Quỹ Đầu tư khởi nghiệp Bến Tre do ông sáng lập và là đồng sáng lập Chương trình “Đồng khởi nghiệp và Phát triển doanh nghiệp”, TS. Huỳnh Kỳ Trân đã góp phần khơi dậy tinh thần khởi nghiệp của đoàn viên thanh niên tỉnh Bến Tre, chương trình ngày càng lan tỏa mạnh mẽ, thể hiện qua việc có nhiều ý tưởng, dự án mang tính hiệu quả, khả thi cao, giúp người trẻ đam mê tìm hiểu, học hỏi, nỗ lực chịu khó làm việc, tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao…
Trong một lần có dịp trò chuyện về việc kinh doanh, ông Huỳnh Kỳ Trân đã thổ lộ: “Muốn làm giàu thì phải có nhân cách trước, rồi học hỏi để có trí tuệ. Học ở trường lẫn ngoài đời. Từ nhân cách, trí tuệ và tầm nhìn rồi mới từng bước tới việc chế tạo sản phẩm có giá trị cả bên trong lẫn bên ngoài”.
Với tư cách là Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân Bến Tre tại TP.HCM (HBBC), ông Huỳnh Kỳ Trân đã cùng với các đồng nghiệp và cộng sự của mình luôn hướng về quê nhà, đóng góp hỗ trợ cho quê hương. Ông tham gia vào Hội đồng tư vấn Chiến lược và Phát triển kinh tế tỉnh Bến Tre với những đóng góp vào các giải pháp huy động nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bến Tre giúp xây dựng tầm nhìn chiến lược giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045. Ông tổ chức nhiều buổi xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, giới thiệu các nhà đầu tư trong và ngoài nước về Bến Tre đầu tư…
TS. Huỳnh Kỳ Trân, Lương y quốc gia, Viện trưởng Viện Phát triển công nghệ và Đào tạo TP.HCM.
Trong nhiều năm qua, ông cùng các doanh nhân quê Bến Tre đang sinh sống tại TP.HCM luôn dành cho quê nhà nhiều tình cảm và có nhiều đóng góp thiết thực cho sự phát triển của tỉnh nhà thông qua các hoạt động đóng góp, các chương trình an sinh xã hội. Cụ thể như góp kinh phí xây dựng hàng trăm căn nhà tình nghĩa, nhà tình thương, xây dựng mới cầu bê tông thay cho cầu sắt cũ kỹ hay cầu khỉ, xây các tuyến đường giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế, tặng quà cho hộ nghèo, trao học bổng cho học sinh nghèo hiếu học, chương trình “Vì ngày mai phát triển” với học bổng “Tiếp sức đến trường”, thành lập quỹ học bổng Trương Vĩnh Trọng,…
Trong vai trò là Chủ tịch Hội đồng thành viên THORAKAO, ông là người góp phần quan trọng trong việc nghiên cứu, phát minh, sáng chế ra các sản phẩm chiết xuất từ các thành phần thiên nhiên như nghệ, bồ kết, gạo, bưởi, mật ong… để tạo nên các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp như phấn trang điểm Thorakao, kem nghệ trị mụn, dầu gội bồ kết, tinh dầu bưởi xịt tóc… được rất nhiều phụ nữ Việt Nam tin dùng.
Đặc biệt, trên thương trường quốc tế, các sản phẩm của THORAKAO được vinh danh tại nhiều quốc gia, như: Giải “Vương miện Vàng chất lượng quốc tế London năm 2006”; “Giải bạch kim chất lượng châu Âu năm 2008”; “Giải thưởng chất lượng quốc tế bạch kim New York năm 2008” dành cho doanh nghiệp xuất sắc và uy tín cùng nhiều giải thưởng khác…
Ngày 9/11/2022, TS. Lương y Huỳnh Kỳ Trân đã được Ủy ban nhân dân TP.HCM tuyên dương tại lễ tuyên dương “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả” trong phong trào thi đua yêu nước của thành phố lần thứ 5 năm 2022.
Nguồn: vneconomy.vn