Chào mừng bạn đến với Sàn thương mại điện tử dược mỹ phẩm NewwayMart!

Ngăn chặn hàng lậu, hàng giả trên không gian mạng

03/03/2023 Nguồn: Sự kiện sức khỏe Người đăng: Đình Linh

0/5 trong 0 Đánh giá

|
280 Lượt xem

Thông qua việc rao bán hàng trên không gian mạng, lực lượng chức năng đã kiểm tra, phát hiện những địa chỉ kinh doanh hàng hóa vi phạm, thậm chí có cả nhiều kho chứa trữ hàng vi phạm...

Bán cả kho hàng vi phạm qua mạng

Thời gian qua, lợi dụng thương mại điện tử phát triển, một số đối tượng kinh doanh trên không gian mạng đã lợi dụng nhu cầu tiêu thụ của người dân để đưa hàng hóa kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, hàng nhập lậu vào buôn bán nhằm thu lợi nhuận cao. Mới đây, ngày 16/2/2023, Cục Quản lý thị trường TPHCM đồng loạt kiểm tra, phát hiện tại 2 địa điểm kinh doanh nằm trên địa bàn quận Gò Vấp, TPHCM chứa trữ, kinh doanh hàng chục nghìn sản phẩm có dấu hiệu nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu.

Trong đó, tại điểm kinh doanh nằm ở địa chỉ 227/25 Nguyễn Tư Giản, phường 12, quận Gò Vấp, Đội Quản lý thị trường số 2 đã phát hiện và thu giữ hơn 6.000 sản phẩm là dầu gió xanh Singapore, tẩy tế bào chết spa, dầu xả bưởi, kem body Bạch Ngọc Liên, kem face Pháp, kem body Pháp, bông tẩy trang. Theo giá trị đang được niêm yết trên thị trường mạng, lô hàng có tổng trị giá gần 1,2 tỷ đồng. Tại điểm kinh doanh 284/1 Phạm Văn Chiêu phường 9, quận Gò Vấp, tổ công tác khác của Đội Quản lý thị trường số 2 đã thu giữ gần 340 thùng hàng hóa với tổng số lượng trên 30.000 sản phẩm mỹ phẩm, nước hoa, xịt chống nắng M’AYCREATE. Lô hàng có tổng trị giá trên 738 triệu đồng.

null

Lực lượng Quản lý thị trường TPHCM kiểm tra lô hàng có dấu hiệu vi phạm về nguồn gốc, xuất xứ và nhãn hiệu (Ảnh: haiquanonline)

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng Quản lý thị trường TPHCM xác định chủ các lô hàng trên là ông Ngô Thái H., sinh năm 1994, trú quán tại Tân Hưng, Long An. Bước đầu, lực lượng chức năng nhận định toàn bộ số hàng hóa tại hai địa điểm kinh doanh trên đều có dấu hiệu nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu. Đáng chú ý, toàn bộ hàng hóa chủ yếu được kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, không có cửa hàng cũng như thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh hợp pháp.

Ngoài 2 kho chứa hàng lậu nêu trên, trước đó ngày 2/2, tại địa bàn giáp ranh TPHCM, Công an Đồng Nai chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý thị trường Đồng Nai kiểm tra cửa hàng kinh doanh phụ tùng xe máy L.K. (đóng tại P.Xuân Trung, TP.Long Khánh), do ông B.M.T. làm chủ, phát hiện 15 thùng và bao tải niềng bánh xe, phuộc giảm xóc, cổ pô xe, pô xe (đều là phụ tùng xe máy) không rõ nguồn gốc xuất xứ. Kiểm tra kho chứa của cửa hàng này ở P.Bảo Vinh (TP.Long Khánh), nơi ông B.M.T. bán hàng online, lực lượng liên ngành còn phát hiện, tạm giữ thêm 60 thùng và bao đựng phụ tùng xe máy không rõ nguồn gốc xuất xứ. Chỉ tính riêng 3 tháng gần đây, lực lượng chức năng Đồng Nai đã phát hiện, xử lý 14 vụ kinh doanh hàng nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, trong đó có nhiều điểm kinh doanh hàng online. Tang vật tịch thu giữ, tiêu hủy gần 6 nghìn chiếc quần áo, đầm, váy; hơn 400 đôi giày, dép, guốc; 4 thùng rượu nhãn hiệu Chivas, 8 thùng nước hoa nhãn hiệu nước ngoài...

Khắc phục rào cản

Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng đã tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, gian lận thương mại trong thương mại điện tử đã phát hiện hàng trăm trường hợp vi phạm. Hành vi vi phạm chủ yếu, như: Thiết lập website thương mại điện tử bán hàng mà không thông báo với cơ quan quản lý nhà nước; không cung cấp đầy đủ cho khách hàng thông tin về cá nhân, tổ chức sở hữu website; giả mạo thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác để tham gia hoạt động thương mại điện tử; đặc biệt là cung cấp thông tin, kinh doanh hoặc buôn bán hàng giả, hàng hóa, dịch vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh trên môi trường internet...

Để tiêu thụ hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, các đối tượng kinh doanh trên mạng xã hội đã làm giả, tạo ra mã số, mã vạch để xác định nguồn gốc hàng hóa hoặc sao chép mã số, mã vạch của nhóm hàng tương tự dán lên sản phẩm rồi tập kết, cất giấu tại kho, bãi. Ngoài ra, đối tượng còn trà trộn hàng thật với hàng giả, hàng rõ nguồn gốc với hàng không rõ nguồn gốc bán cho khách hàng.

Theo Tổng cục Quản lý thị trường, hiện nay, người tiêu dùng có xu hướng mua sắm trên mạng xã hội, các trang thương mại điện tử. Do đó, đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại và xâm phạm sở hữu trí tuệ sẽ lợi dụng để hoạt động. Tuy nhiên, một trong những rào cản lớn nhất của công tác quản lý việc kinh doanh trên thương mại điện tử là tỷ lệ cá nhân, tổ chức đăng ký, thông báo theo đúng quy định khi tham gia vẫn còn rất thấp, nhiều vấn đề phát sinh chưa được quản lý tốt. Bên cạnh đó, việc thực hiện xử lý vi phạm đối với các doanh nghiệp gian lận cũng rất khó khăn. Các trang mạng xã hội không cung cấp địa chỉ hoặc cung cấp địa chỉ không đúng, có nhiều địa chỉ là nhà dân, là chung cư... phần lớn các đối tượng sử dụng phần mềm như facebook, zalo... trên môi trường internet gặp rất nhiều khó khăn về xác định tính chất, quy mô, địa chỉ vi phạm và hàng hóa vi phạm.

Nhằm tăng cường hoạt động quản lý, giám sát hàng hóa trên môi trường internet, tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong hoạt động mua sắm trực tuyến, thời gian tới, lực lượng chức năng, trong đó chủ công là Quản lý thị trường đã đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong việc thanh kiểm tra, kiểm soát hoạt động lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng nhái. Đặc biệt là phối hợp với các đơn vị bán tên miền và cung cấp dịch vụ máy chủ, ngân hàng, viễn thông, chuyển phát trong việc xác minh đối tượng để kiểm tra và xử lý vi phạm. Cùng với đó, kiểm soát chặt chẽ luồng hàng hóa kèm hóa đơn chứng từ theo các đơn vị chuyển phát nhanh, giao nhận hàng hóa, tập kết tại kho hàng, các cảng cạn...

Trong năm 2022, liên quan đến những hành vi vi phạm kinh doanh hàng hóa trên không gian mạng, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã thực hiện kiểm tra 774 vụ, xử lý 439 vụ, phạt tiền gần 5,9 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm gần 11,5 tỷ đồng; chuyển hồ sơ 2 vụ việc sang cơ quan Cảnh sát điều tra.

Nguồn: Haiquanonline.com

Theo dõi chúng tôi

Theo dõi chúng tôi trên

Facebook Chat
Chat Zalo