03/03/2023 Nguồn: Sự kiện sức khỏe Người đăng: Đình Linh
Bán thuốc kê đơn khi không có đơn thuốc, một hộ kinh doanh thuốc tân dược tại huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau vừa bị cơ quan chức năng xử phạt.
Trước đó, vào ngày 15/2, Đội QLTT số 5 - Cục QLTT tỉnh Cà Mau đã kiểm tra Quầy thuốc tây H.N., địa chỉ tại địa bàn huyện Thới Bình do bà V.A.T. làm chủ. Qua kiểm tra phát hiện cơ sở này đã bán thuốc kê đơn khi không có đơn thuốc.
Từ đó, Đội QLTT số 5 đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 59050014/QĐ-XPHC, xử phạt vi phạm hành chính đối với bà: V.A.T. do vi phạm quy định về bán lẻ thuốc tân dược. Số tiền xử phạt vi phạm hành chính 20 triệu đồng.
Nhiều chuyên gia, bác sĩ khuyến cáo người dân không nên tự ý mua thuốc về điều trị khi chưa được bác sĩ tư vấn, thăm khám( Ảnh: internet)
Được biết, hiện tại bà T. đã chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và nộp số tiền nêu trên vào ngân sách Nhà nước theo quy định.
Liên quan đến thuốc tân dược, các nhà chuyên môn khuyến cáo người dân không nên mua thuốc về nhà tự điều trị bệnh mà không có sự tư vấn hay chỉ định của bác sĩ, đặc biệt là khi lạm dụng thuốc kê đơn sẽ gây ra những nguy cơ cho sức khỏe.
Việc bán thuốc không kê đơn, đặc biệt là các loại kháng sinh rất nguy hiểm. Bởi ngoài việc bệnh nhân không được theo dõi tình trạng bệnh còn dẫn đến nhiều hệ luỵ khôn lường. Nếu không có đơn thuốc, người bệnh sẽ không có căn cứ uống đúng liều lượng thuốc, thời gian, những thức ăn kiêng kỵ, chống chỉ định với thuốc, từ đó dễ gặp rủi ro do phản ứng phụ từ thuốc gây ra.
Bên cạnh đó, việc điều trị tại nhà kéo dài mà không đúng bệnh sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ, gây tốn kém kinh tế. Thậm chí, việc mua và dùng thuốc kháng sinh mà không có đơn bác sỹ và dùng không đủ liều có thể gây kháng thuốc kháng sinh như hiện nay. Khi đã bị kháng thuốc, việc dùng thuốc kháng sinh và các liệu pháp điều trị người mắc bệnh do nhiễm khuẩn sẽ không còn hiệu quả hoặc hiệu quả thấp.
Theo các chuyên gia, việc dùng kháng sinh không theo đơn của bác sĩ sẽ làm phát sinh những chủng vi khuẩn kháng thuốc và siêu kháng thuốc. Khi bệnh nhân có vi khuẩn kháng thuốc rồi sẽ gây ra nhiều khó khăn cho bác sĩ trong quá trình lựa chọn kháng sinh sao cho phù hợp, đối với những bệnh nhân này thường phải làm kháng sinh đồ để lựa chọn kháng sinh phù hợp. Khi bị kháng thuốc kháng sinh bắt buộc phải sử dụng các thế hệ kháng sinh cao hơn, tuy nhiên, sẽ phát sinh nhiều vấn đề đặc biệt là chi phí y tế, nó rất có hại cho cơ thể trong quá trình chuyển hoá và thải trừ kháng sinh.
Tình trạng mua và dùng các loại thuốc kháng sinh thực sự rất nguy hiểm, bởi ngoài việc không theo dõi được tình trạng bệnh của mình còn dẫn đến những hệ lụy khôn lường. Do đó, người dân cần có ý thức tự bảo vệ sức khỏe mình, chỉ nên sử dụng thuốc khi có đơn chỉ định của thầy thuốc. Và trên hết cần sự vào cuộc của ngành chức năng để tình trạng này sớm chấm dứt.
Về hành vi bán các loại thuốc phải kê đơn mà không có đơn của bác sĩ trong trường hợp không gây ra hậu quả nghiêm trọng đủ để truy cứu hình sự, dược sĩ sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 – 500.000 đồng theo Điều 40 Nghị định 176/2013. Tuy nhiên, trong trường hợp hành vi đó gây hậu quả nghiêm trọng như gây chết người hoặc gây tổn hại cho sức khỏe mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Điều 315 Bộ luật hình sự 2015. Tuỳ vào mức độ hành vi và hậu quả, sẽ có khung hình phạt khác nhau. Trường hợp hành vi bán thuốc phải kê đơn mà không có toa bác sĩ gây hậu quả rất nghiêm trọng thì có thể bị phạt đến 15 năm tù.
Nguồn: congthuong.vn